Để đáp ứng yêu cầu đông đảo khách đến thăm viếng muốn tìm hiểu cuộc đời bà hoàng Thị Loan và mảnh đất địa linh, nơi người con trai chí hiếu chọn để bà an giấc ngàn thu; Đồng thời để thiết thực kỷ niệm lần thứ 113 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2003), tôi viết cuốn sách nhỏ: “Huyền thoại huyệt đạo bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh”.
Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng cuốn sách này chắc còn nhiều khiếm khuyết, kính mong độc giả góp cho nhiều ý kiến thiết thực và bổ ích, để có thêm tư liệu và cơ sở tiến hành chỉnh lý, bổ sung, nâng cao, khi tái bản cuốn sách có chất lượng cao hơn, phục vụ tốt hơn.
Tác giả xin chân thành cảm ơn.
1/ Quan niệm về thuyết phong thủy và mộ táng của người xưa.
Trong lịch sử cổ đại của người Việt Nam cũng như Trung Quốc đã từng xuất hiện một tín ngưỡng truyền thống, một tập tục rất phổ biến quan niệm rằng việc chọn đất mai táng tổ tiên (âm trạch), cũng như chọn đất để làm nhà cho người sống (dương trạch) có quan hệ mất thiết đối với cuộc sống tồn vong, họa, phúc của con cháu.
Người ta thường nói: “Táng tiên ấm hậu” tức là chọn đất mai táng tổ tiên để tổ tiên phù hộ cho con cháu được hưởng phúc lộc. Tất cả những hoạt động có liên quan đến việc chọn đất mai táng hoặc đất làm nền nhà được người xưa gọi là thuyết phong thủy hoặc thuật phong thủy. Những người am hiểu các lý thuyết phong thủy, biết làm những pháp thuật huyền bí như quan sát địa hình, địa thế để tìm “long mạch”, để định vị phương hướng… là các thầy địa lý hoặc thầy phong thuỷ, ở Trung Quốc gọi là kham dư gia (khamnghĩa là trời, là đạo trời, dư là đất, là địa lý, gia là nhà tức là người am hiểu về đạo trời và địa lý). Những người này lấy hoạt động phong thuỷ làm nghề mưu sinh và phục vụ cho nhu cầu bức thiết của xã hội và cũng được xã hội coi trọng. Ví dụ như: Quách Phác đời Tấn bên Trung Quốc, thầy Tả Ao đời Lê-Trịnh của Việt Nam. Thuyết phong thuỷ được phát triển gắn liền với tên tuổi của Quách Phác và trước tác nổi tiếng do ông soạn là: “Táng thư”, còn được gọi là “Táng kinh”. Quách Phác đời Tấn là người đầu tiên giải thích khái niệm phong thuỷ và từ đó thuyết phong thuỷ có cơ sở lý luận ổn định và phát triển. Trong “Táng thư”, Quách Phác viết: “Việc mai táng là để tích tụ sinh khí. Sinh khí gặp gió thì tản đi, gặp nước ngăn thì dừng lại. Vì vậy gọi là thuật phong thuỷ”.
Khi chú giải “Táng thư”, ông Phạm Nghi Tân (đời Thanh), viết thêm rằng: “Không có nước ngăn lại thì sinh khí sẽ bị gió cuốn làm cho tan đi, có dòng nước ngăn lại thì sinh khí ngưng tụ và gió cũng không còn nữa. Vì thế hai chữ Phong và Thuỷ(gió và nước) là hai yếu tố quan trọng nhất của thuyết địa lý, mà trong đó “đắc thuỷ” (chỉ chỗ đất có dòng nước chảy quanh) là điều quan trọng hơn hết. Sau đó mới kể đến “ tàng phong” hay “tỵ phong” (tức là thu giữ gió hay kiêng tránh gió) là điều quan trọng thứ hai”. Như vậy, theo lý thuyết kinh điển về phong thuỷ, chỉ có trong điều kiện “tàng phong” và “đắc thuỷ” thì mới tích tụ và giữ gìn được sinh khí.
Vậy sinh khí là gì? Sách Lã Thị Xuân Thu giải thích rằng sinh khí là do dương khí thịnh mà phát tiết ra. Sinh khí là nguyên tố đem lại sức sống cho mọi sinh vật, là cái khí làm cho mọi vật nẩy nở và trưởng thành. Sinh khí luôn luôn tồn tại và vận hành trong lòng đất. Tùy theo hình thế cao thấp của đất mà sinh khí vận động, khi chuyển đi, khi tụ lại, biến hóa mà phát sinh ra vạn vật, kể cả phát sinh ra con người. Chính vì vậy mà muôn vật đều xuất phát, đều bắt nguồn từ trong lòng “đất mẹ vĩ đại”. Cho nên thuyết phong thủy quan niệm đất là “Đại mẫu”.
Thuyết phong thủy lấy âm dương ngũ hành làm nguyên lý cơ sở. Kim, mộc, thuỷ, hỏa, thổ là 5 yếu tố cơ bản cấu thành thế giới, trong đó Thổ là yếu tố quan trọng bậc nhất (là Trung ương), mà Thổ thuộc quẻ “Khôn” tức là thuộc âm tính, là giống cái. Sinh khí bao hàm trong nó 2 yếu tố âm và dương, cũng như 5 yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ chúng kết hợp, nương tựa, tác động lẫn nhau, đồng thời cũng ức chế lẫn nhau theo quy luật tương sinh, tương khắc. Sinh khí biến hóa, vận động, di chuyển trong lòng đất phát sinh ra muôn vật. Các nhà phong thủy quan niệm rằng: sinh khí không phải chỉ tồn tại và vận hành trong lòng đất, mà dĩ nhiên cũng tồn tại trong bản thân mỗi con người. Con người cũng như hết thảy mọi vật đều do sinh khí cấu tạo thành. Nhà phong thuỷ nổi tiếng đời Minh là Tưởng Bình Giai, khi bàn về “sự vận động thần diệu của khí” trong sách Thủy song kinh có viết: “Cái đầu tiên duy nhất chỉ là khí, tiếp ngay sau đó là nước. Không có gì xuất hiện trong nước, trong nước có những hạt cặn đục lắng đọng lại thành ra sông núi”. Tưởng Bình Giai quan niệm sinh khí không những tạo ra diện mạo của sông, núi, cảnh quan môi trường xung quanh con người, mà còn tạo ra chính bản thân con người, thậm chí sinh khí còn được duy trì bảo lưu ngay sau cả khi con người đã chết. Tưởng Bình Giai nói: “Sinh khí kết tinh trong cơ thể của cha mẹ dưới hình thức nước, nó được di truyền cho con cháu. Do vậy mà con cháu thụ hưởng được anh khí của cha mẹ”. Ông còn nói tiếp: “Khi con người sống, khí ngưng tụ, kết tinh ở trong xương, khi chết đi thì chỉ có khí được giữ cùng với xương”, “vì vậy việc mai táng là để cho sinh khí tiếp tục trở lại với hài cốt”.Quách Phác đời Tấn và Tưởng Bình Giai thời Minh đều khẳng định như vậy. Nhưng mai táng như thế nào để tích tụ được sinh khí, đưa sinh khí trở về với hài cốt. Đây chính là chức năng và bí quyết của các nhà phong thuỷ.
Thuyết phong thuỷ cho rằng, muốn đưa sinh khí trở về với hài cốt, muốn sinh khí được bảo lưu, được tích tụ và duy trì được lâu dài thì phải biết chọn đất mai táng (âm trạch), nơi có nhiều sinh khí. Nhưng làm thế nào để tìm được một huyệt đất có nhiều sinh khí? Có nhiều thủ pháp chuyên môn, có những bí quyết nhà nghề phức tạp và thần bí, tựu trung lại có mấy phương pháp sau đây:
a) Xác định Long mạch (mịch long): Thuyết phong thủy cho rằng sinh khí vận hành trong lòng đất dựa theo hình thế của núi. Cần xem xét núi bắt đầu từ đâu và dừng lại nơi nào? Nơi núi dừng lại có địa thế bằng phẳng rộng rãi, có dòng nước chảy uốn quanh kề gần, huyệt đất đó sẽ tích tụ được nhiều sinh khí, huyệt đất đó có long mạch, tức là nơi “cát địa” hay “phúc địa”. Núi bắt đầu từ xa chạy đến gọi là thế. Nơi núi dừng lại gọi là hình. Thế thì bao quát, hình thì cụ thể. Thế càng cao xa thì hình càng có chỗ dựa vững chắc, nơi cát địa đó sẽ mang lại nhiều phúc lộc cho con cháu.
Muốn tìm được cát địa, phải “sát sa” tức là phải quan sát, xem xét những ngọn núi xung quanh huyệt mộ (âm trạch), phải đạt được các tiêu chí sau đây:
- Huyệt mộ phải dựa lưng vào ngọn núi cao gọi là Huyền Vũ. Bên tả có núi gọi là Thanh Long, bên hữu có núi gọi là Bạch Hổ, hai ngọn núi này đứng chầu vào huyệt mộ, tạo thành vòng tay ngai che chống những luồng ác phong (gió độc), bảo vệ sinh khí không bị gió xua tan. Phía trước mặt huyệt mộ có một hòn núi nhỏ án ngữ gọi là Án Sơn (được gọi là Chu Tước), như người đứng khoanh tay, vái chào huyệt mộ. Ngoài xa cũng có một ngọn núi chầu về huyệt mộ gọi là Triều Sơn (núi chầu).
Khi sát sa thấy có đủ hình thế tứ linh (long, lân, quy, phượng- bốn con giống theo thần thoại) thì huyệt đất đó có đủ điều kiện để tích tụ sinh khí, tức là có long mạch.
b) Quan thuỷ: Đây là phương pháp rất quan trọng. Vì theo thuyết phong thuỷ thì “đắc thuỷ” mới là yếu tố hàng đầu.
Thuyết phong thuỷ cho rằng khí là cha mẹ của nước, là bản thể của nước. Nơi nào có sinh khí, tất nhiên ở đó có nước. Nước là cái khí hữu hình, trong khi khí là vô hình. Ngược lại nơi nào có nước, chứng tỏ ở đấy có sinh khí. Mặt khác, thổ là hình thể của khí. Trong điều kiện Thổ bị dòng nước cắt ngăn và giới hạn lại thì khí cũng theo Thổ mà dừng lại, không di chuyển phân tán được.
Các thầy địa lý khảo sát, xem xét các dòng sông, dòng suối, ao hồ xung quanh huyệt mộ (tức âm trạch). Dòng sâu, nguồn dài là khí vượng, dòng cạn, nguồn ngắn thì phúc lộc ít. Dòng nước chảy tới quanh co, uốn khúc hoặc chảy ngang qua mà vòng quanh trở lại bao bọc âm trạch, dòng nước chảy du dương, êm đềm là rất tốt, nếu dòng chảy xói thẳng vào huyệt như tên bắn, chảy sát huyệt mộ gây xối lở thì rất xấu. Sau khi đã xác định được long mạch (mịch long) và quan thủy, thầy địa lý (phong thuỷ) mới tiến hành điểm huyệt và xác định minh đường.
Việc điểm huyệt và xác định minh đường yêu cầu phải rất thận trọng, vì đây là mục đích cuối cùng phải đạt được khi ứng dụng thuyết phong thủy. Việc làm này thật không đơn giản chút nào. Vì vậy, tục ngữ mới có câu: “Ba năm tầm long, mười năm điểm huyệt”. Đất điểm huyệt có khi chỉ là mấy thước, có khi cũng có thể là mấy dặm. Địa điểm đó phải là nơi tích tụ được sinh khí, không hề làm cho sinh khí tiêu tán, đồng thời không ngừng hấp thụ được nguồn sinh khí của tự nhiên, của “đất mẹ”, thường xuyên tiềm ẩn và vận hành trong lòng đất.
- Khoảng đất bằng phẳng rộng rãi bao bọc xung quanh huyệt mộ gọi là Minh đường.
- Tiểu minh đường là quãng đất hẹp kề ngay trước huyệt mộ.
- Trung minh đường (nội minh đường) là khoảng không ở phía trong các núi Thanh Long, Bạch hổ.
- Đại minh đường (ngoại minh đường) ở phía ngoài án sơn.
Minh đường và hình thế của núi có quan hệ mật thiết, cần đạt được tỷ lệ thích hợp. Mạch núi từ xa đến thì minh đường rộng; Mạch núi ở gần thì minh đường hẹp. Nếu minh đường quá khoáng đãng thì sinh khí dễ phát tán. Nếu minh đường quá chật hẹp thì phúc lộc không được lâu bền. Trong việc xác định huyệt mộ (âm trạch) và nền nhà (dương trạch), thuật phong thuỷ còn có nhiều bí quyết để cấm kỵ hoặc trấn yểm.
Tóm lại, ứng dụng thuyết phong thuỷ, sử dụng các thủ pháp chuyên môn, các nhà phong thuỷ (thầy địa lý) có thể phát hiện và điều chỉnh những khu đất có nhiều sinh khí để mai táng hoặc để xây dựng các công trìn kiến trúc như nhà ở, cung điện, thành trấn, thôn lạc v.v…
Đến đây một câu hỏi nữa được đặt ra là tại sao việc chọn đất có sinh khí để mai táng tổ tiên lại có thể đem phúc lộc cho con cháu, tức là “táng tiên” lại có thể “ấm hậu”.
Trong trước tác “Táng thư”, Quách Phác đã nêu luện điểm: “Khí cảm như ứng, quỷ phúc cập nhân”, có nghĩa là những vật đồng chất với nhau có quan hệ cảm ứng lẫn nhau. Quỷ mà Quách Phác viết trong “Táng thư” là cha mẹ hoặc tổ tiên sau khi đã chết (theo cổ tự quỷ có nghĩa là quy, là về, là chết). Thuyết phong thuỷ quan niệm chết là về với đất, về với “đại mẫu” để chuẩn bị cho giai đoạn tái sinh kiếp sau. Vậy “quỷ” chính là tổ tiên, là cha mẹ đã chết, con “nhân” là những con cháu đang sống, là di thể của cha mẹ để lại. Vì vậy, tổ tiên, cha mẹ và hậu duệ con cháu là đồng khí, là một chất, chúng có quan hệ cảm ứng với nhau. Cho nên “quỷ phúc cập nhân” nghĩa là tổ tiên mang lại phúc ấm cho con cháu.
Trong sách “Táng thư”, Quách Phác còn giải thích thêm: “Thi dĩ đồng sơn tây băng, linh chung đồng ứng, mộc hoa vu xuân, lật nha vi thất”. Nghĩa là “mỏ đồng ở phía tây bị sụt lở thì chuông thiêng ở phía đông cũng ứng theo (chuông tự kêu). Mùa xuân cây lật nở hoa thì quả lật ở trong phòng cũng nẩy chồi”. Như vậy, ý của Quách Phác nói: Chuông đồng và mỏ đồng cùng một khí chất, cây lật và quả lật cùng một khí chất, mặc dầu chúng để ở nơi cách biệt nhau, nhưng vẫn có quan hệ cảm ứng theo lẽ tự nhiên của tạo hoá. Vì thế tổ tiên, cha mẹ tuy đã chết, nhưng vẫn có thể phù hộ cho con cháu, hậu duệ của mình bằng cảm ứng.
Nhà phong thuỷ Quách Phác đã lấy một sự kiện đời Hán Vũ để chứng minh cho quan hệ cảm ứng: Có một quả chuông treo ở lầu Vi Ưởng tại kinh đô Tràng An, một hôm bỗng nhiên quả chuông tự kêu “ô ông…ô ông”. Các vị đại thần hôm ấy vô cùng kinh sợ, cho đó là điềm xấu. Đông Phương Sóc là người có trí tuệ siêu quần thời bấy giờ, đứng lên tâu rằng: “Nhất định lúc này đã có núi đồng khoáng sụt lở”. Mấy ngày sau, quả nhiên có tin từ miền biên cảnh phía Tây xứ Thục báo cáo về triều đình rằng ở đó núi đồng khoáng đã lở vào ngày giờ ấy. Triều đình đem đối chiếu lại thì đúng vào lúc chuông đồng ở cung Vi Ưởng phát ra tiếng kêu. Hán Vũ đế kinh ngạc hỏi vì sao mà Đông Phương Sóc biết được như vậy? Đông Phương Sóc đáp: “Đồng đúc chuông lấy từ mỏ đồng trên núi, khí của chúng cảm ứng nhau mà phát ra tiếng kêu, giống như thân thể người ta là do cha mẹ sinh ra vậy”. Hán Vũ đế chép miệng than rằng: “Vật còn như vậy, huống chi người ta”.
Các nhà phong thuỷ cũng thường kể chuyện bà mẹ ông Tăng Tửng để biện minh cho thuyết cảm ứng. Chuyện kể rằng: đời Xuân Thu, ông Tăng Tử là người con rất mực hiếu thảo, mỗi khi Tăng Tử đi xa, vắng nhà, mẹ Tăng Tử ở nhà nhớ con da diết, thường cắn vào ngón tay để kiềm chế niềm thương. Tăng Tử ở ngoài xa, mỗi khi ở nhà mẹ cắn ngón tay như vậy thì ông cảm thấy đau nhói ở tim. Điều đó chứng tỏ giữa mẹ và con có mối quan hệ cảm ứng vô hình, nhưng sâu sắc biết chừng nào.
Như vậy từ thời xưa thuyết phong thủy hướng dẫn cho con người tìm huyệt đạo cát địa (phúc địa) để mai táng tổ tiên, cha mẹ hoặc làm nhà ở, dựng cung điện, thành quách v.v… đã có tác động đến đời sống của con người, đã trở thành một bộ phận văn hoá phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng.
2/ Truyền thuyết long mạch về vùng quê Nam Đàn.
Theo quan niệm xưa của các nhà hiền Triết phương Đông thì sự ra đời của con người gắn liền với trời đất. Theo thuyết thiên, địa, nhân của kinh Dịch thì con người là chủ thể thứ ba sau trời đất (thiên và địa). Con người sẽ khia thác lợi thế Thiên và Địa để phục vụ cho cuộc sống của mình. Do đó chúng ta ai cũng ước mong luôn gặp được thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Các sách phong thuỷ xưa khi nói long mạch là nói tới sông núi. Núi là nơi cao nhất để tiếp thụ khí trời chuyển lại cho đất. Nước là yếu tố chuyển tải khí trời do núi thu nhận. Nước chảy thành sông gọi là mạch. Long mạch theo ý niệm xưa là vậy. Long mạch là khí thiêng sông núi. Nơi nào có long mạch quần tụ nới đó có con người phát triển thuận lợi. Đó là địa linh nhân kiệt.
Nam Đàn xưa nay đã được người đời tôn vinh là vùng quê địa linh, nhân kiệt. Có thể nói Tổ quốc Việt Nam đã dành cho Nam Đàn một mảnh non sông khá hùng vĩ và nên thơ. Nam Đàn có vị trí địa lý nằm ở ha lưu Lam Giang và là vị trí trung tâm giữa khe Nước Lạnh (ranh giới phía Bắc xứ Nghệ) và đèo Ngang (ranh giới Nam xứ Nghệ), có diện tích 29.552km2, kéo dài từ 18o34’ đến 18o47’ vĩ bắc, trải rộng từ 105o37’ kinh đông. Một chi nhánh của dãy núi Trường Sơn hùng vĩ chạy theo hướng đông – tây, từ huyện Tương Dương, huyện Anh Sơn đến huyện Thanh Chương chia làm hai nhánh. Nhánh bên phải là dãy Thiên Nhận, nhánh bân trái là dãy Đại Vạc, Đại Huệ như hai cánh tay khổng lồ ôm trọn toàn bộ huyện Nam Đàn. Giữa thung lũng Nam Đàn nổi lên nhiều ngọn đồi nhỏ như Hồ Sơn, Ngọc Đái Sơn, Ngọc Tượng Sơn, Tán Sơn, Anh Sơn, Trãn Sơn, Chuỳ Sơn, Bình Sơn, Thổ Sơn, Nhạn Sơn, Thận Sơn và Chung Sơn v.v…
Dòng sông Lam, như một con rồng xanh (Thanh Long) khổng lồ, chảy từ đại ngàn Trường Sơn qua các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương đổ vào địa phận huyện Nam Đàn ở xã Khả Lãm (Nam Thượng), bị kẹp giữa núi Kia va núi Đừng. Đến đây dòng sông chuyển dòng theo hướng tây nam – đông bắc ôm trọn phía đông chân núi Đụn, khi đến địa phận Sa Nam dòng sông lại đổi chiều theo hướng tây bắc – đông nam, đổ thẳng về chân núi Lam Thành, tạo thành nguồn thuỷ mạch lớn. Núi cao rộng của Nam Đàn là long mạch chủ đạo của cả một vùng quê trù phú, tích tụ được khí thiêng sông núi từ ngàn đời lại nay.
Đứng trên đỉnh Chung Sơn, một thắng cảnh tiêu biểu của xã Kim Liên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những lúc đẹp trời, không khí thoáng đãng, một màu xanh lơ trải dài tích tắp đến tận chân trời. Ngược dòng lịch sử, trở về cội nguồn, ta thấy hầu như trên đất Nam Đàn khí thiêng sông núi, nơi ít, nơi nhiều đâu cũng có.
Án ngữ phía tây huyện Nam Đàn là dãy Hùng Sơn (núi Gấu). Năm 722 Mai Hắc Đế đã xây dựng kho quân lương ở đây, nên từ đó Hùng Sơn được nhân dân gọi là núi Đụn. Núi Đụn cao 300m, nằm gọn trên địa bàn xã Khả Lãm (nay là Nam Thượng) và xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái). Núi Đụn có dòng Cương Giang (Rào Giang) ôm vòng phía bắc, Lam Giang ôm trọn phía đông, thuyền bè ngược xuôi tấp nập, chở đầy sản vật và cũng chở đầy những câu ví đò đưa cuốn hút lòng người:
“Ai biết nước sông Lam răng là trong răng là đục
Thì biết cuộc đời răng là nhục răng là vinh
Thuyền em lên thác xuống ghềnh
Nước non là nghĩa, là tình ai ơi”
Núi Đụn từ xưa đã được vào hàng “danh sơn mây khói tụ” (Nghệ An ký). Núi Đụn có nhiều cây cối, tạo nên phong cảnh kỳ vĩ:
“Thụ nhập Đụn Sơn bài kiếm kích
Phàm quy Lam phổ động tinh kỳ”
Tạm dịch:
Rú Đụn cây bày như giáo dựng
Buồm xuôi Lam phố tự cờ dăng.
(Trích thơ Hoàng Phan Thái)
Cũng nằm trong quần thể núi Đụn, chếch kề phía Bắc chừng một kilômét có một ngọn núi có hình dáng tròn trĩnh, mọc nhiều cây dẻ, nên nhân dân gọi là núi Dẻ. Nơi đó có người con gái ở làng Mai Phụ (nay là xã Thạch Bắc), huyện Thạch Hà, tỉnh hà Tĩnh, men theo dòng sông cửa Sót, rồi sông Lam lên định cư ở đây, đẻ ra một người con trai đặt tên là Mai Thúc Loan. Khi Mai Thúc Loan vừa tròn mười tuổi thì người mẹ hiền của ông đã bị hở vồ chết và táng trên đỉnh núi Dẻ. Theo truyền thuyết ở địa phương, ngôi mộ đã đặt đúng nơi linh địa, về sau con cháu sẽ làm nên nghiệp Đế vương, nhưng bị tai họa rắn độc cắn.
Sau khi mẹ mất, Mai Thúc Loan được nhân dân đùm bọc, đã trở thành một đô vật nổi tiếng cả vùng. Năm 722 Mai Thúc Loan cùng với dân phu đi cống vải cho bọn phong kiến nhà Đường đã nổi lên đánh đuổi bọn thống trị ngoại bang. Dưới ngọn cờ chính nghĩa của Mai Thúc Loan nhân dân cả nước rầm rộ hưởng ứng, các nước trong vùng Đông Nam á như Chiêm Thành, Chân Lạp, Malaixia nhiệt tình ủng hộ, nên chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc khởi nghĩa đã dành được toàn thắng, Mai Thúc Loan được nhân dân tôn lên làm vua, đế hiệu là Mai Hắc Đế. Mai Thúc Loan là người xứ Nghệ đầu tiên được làm vua của nước Việt Nam.
Mai Hắc Đế dựng quốc đô trên bờ sông Lam tại Sa Nam. Được vài năm, quân xâm lược nhà Đường trở lại tái chiếm nước ta, thế là lực của nghĩa quân chênh lệch quá nhiều nên Mai Hắc Đế cùng con trai là Mai Thúc Huy rút lui vào thung lũng núi Đụn, xây dựng căn cứ địa chống giặc, nhưng không may Mai Hắc Đế bị chết bất ngờ bởi bị một con rắn độc cắn. Mai Thúc Huy kế nghiệp cha, cầm quân đánh giặc gọi là Mai Thiếu Đế, nhưng rồi cũng hy sinh oanh liệt trước sự tấn công hung hãn bạo tàn của tướng giặc là Dương Tư Húc và Quang Sở Khách.
Trong núi Đụn có một thung lũng bằng phẳng, sau lưng và hai bên trái, phải đều có núi bao bọc, trước mắt là sông Lam, quanh năm rì rầm sóng vỗ, phong cảnh rất hữu tình. Ở đó có một ngôi mộ cổ được tu sửa trang nghiêm là nơi lưu giữ di hài của Mai Hắc Đế, tính đến nay đã được 1.277 năm (726-2003).
Nói về núi Đụn, trước đây khắp xứ Nghệ có lưu truyền mấy câu sấm ký:
“Đụn Sơn phân giới
Bò Đái thất thanh
Thuỷ đáo Lam Thành
Song Ngư thuỷ thiển”
Dịch nghĩa:
Núi Đụn nức làm đôi
Khe Bò Đái mất tiếng
Nước đến chân Lam Thành
Hai hòn ngư nước cạn
Mấy câu sấm này không biết xuất hiện từ thời nào? Và do ai làm ra. Nhiều người cho rằng đó là sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Có thật thế không, thì đến nay cũng chưa có ai xác định rõ ràng.
Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757-1828) là một danh sĩ, làm Đốc học Nghệ An trong thời gian 1805-1808, đi chu du khắp các vùng trong tỉnh, rồi viết nên tác phẩm “Nghệ An ký”. Khi nói về núi Đụn và khe Bò Đái có nhắc đến câu sấm ký này. Như vậy khe Bò Đái mất tiếng cách ngày nay ít nhất cũng trên hai trăm năm.
Khe Bò Đái còn gọi là khe Ồ Ồ hay suối Võ Nguyên, chảy từ vách đá dựng đứng ở Rú Kia (Cơ Sơn) ở làng Chi Cơ (Kẻ Kia), có độ cao trên vài chục trượng, rộng trên vài chục thước ta, nước từ trên cao đổ xuống, bọt nước tung trắng xoá trông giống như con bò cái đang đái, tiếng nước chày ồ ồ, ngoài mười dặm còn nghe thấy. Ngày nay khe Bò Đái vẫn chảy, nhưng không còn ngyhe tiếng vọng ra nữa. Tiếng vọng mất đi từ khi có một đợt động đất, làm núi Đụn nứt đôi (phân giới), khe Bò Đái cũng bị nứt ra, nước thẩm thấu vào lòng đất nên dòng suối chảy không phát ra tiếng kêu nữa. Câu sấm “Đụn Sơn phân giới, Bò Đái thất thanh” có lẽ là như vậy. Còn hai câu “Thuỷ đáo Lam Thành, Song ngư thuỷ thiển”thì nay cũng đã rõ. Vào thời Tự Đức (1848-1883) nước lũ sông Lam đã cuốn mất làng Triều Khẩu thuộc huyện Hưng Nguyên và nước sông Lam đã chảy đến chân Lam Thành sơn, còn hai đảo Song Ngư là hòn Son và hòn Mực ở ngoài cửa Hội nối liền nhau bởi nước biển ở đây đã cạn dần.
Vào cuối thế kỷ 19 đấu thế kỷ 20 của thiên niên kỷ thứ 2, khi các phong trào cứu nước như Vân Thân, Cần Vương, lần lượt bị thất bại, thì trong tâm khảm của mọi người đang khao khát sớm có một vị cứu tinh kế tiếp đứng ra dắt dẫn nhân dân đấu tranh giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Cụ Phan Bội Châu một thần đồng nổi tiếng hay chữ, đứng đầu “Tứ hổ nam Đàn”, một nhà nho yêu nước sau khi đỗ giải Nguyên khoa Canh Tý (1900), không chịu ra làm quan mà đã đi khắp hai miền Nam Bắc, hô hào sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên chống Pháp, cứu nước, sáng lập ra nào là Duy Tân, nào là phong trào Đông du, đưa thanh niên ra nước ngoài học tập để về cứu nước. Vào lúc đó, có thể có một nhà nho yêu nước nào đó đã sửa câu sấm ký có mấy trăm năm trước thành câu sấm mới.
“Đụn Sơn phân giới
Bò Đái thất thanh
Nam Đàn sinh thánh”
Để ám chỉ cụ Phan Bội Châu là bậc thánh nhân, mà câu sấm ký tiên đoán, nay đã xuất hiện.
Có thể nói trong ý thức, trong niềm tin của nhân dân xứ Nghệ hồi ấy, hình tượng Phan Bội Châu là một vị thánh.
Ngày 18-06-1925, trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu, Trung Quốc để làm lễ kỷ niệm tròn một năm ngày Phạm Hồng Thái hy sinh và chuẩn bị cải tổ Quốc dân đảng theo sự gợi ý của Nguyễn Ái Quốc, thì Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc ở ga bắc Thượng Hải. Thực dân Pháp đã cướp đi một thời cơ tốt nhất trong đời hoạt động cách mạng của nhà chí sĩ họ Phan, chúng đưa cụ về giam lỏng tại ngôi nhà tranh ở dốc Bến Ngự, kinh đô Huế.
Năm 1929, giữa sự rình mò, bao vây của thực dân Pháp, Phan Bội Châu thấy cần phải tổng kết cuộc đời hoạt động của mình, để làm bài học cho thế hệ mai sau bằng cuốn hồi ký “Phan Bội Châu niên biểu”, trong đó nhiều lần cụ trân trọng nhắc đến tên ông Nguyễn Ái Quốc. Tại ngôi nhà tranh ở dốc Bến Ngự, Huế, có một người đã hỏi cụ: “Thánh Nam Đàn là ai?” thì cụ nói ngay: “Thánh Nam Đàn là ông Nguyễn Ái Quốc”. Cụ khuyến một số thanh niên có tâm huyết với vận mệnh của đất nước lúc ấy không nên theo cụ nữa, mà theo ông Nguyễn Ái Quốc để hoạt động cứu nước.
Năm 1934, ông Trần Lê Hựu (người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi bằng dượng), có ghé thăm cụ Phan trên chiếc thuyền trên sông Hương. Qua câu chuyện về đất nước, Trần Lê Hựu than thở: “Thưa cụ, chúng tôi không hiểu rồi nước ta có được độc lập hay không? Thấy từ trước đến nay, hễ anh hùng chí sĩ nào nổi lên là bị bắt, bị tù đày, bị giết, cho đến cụ là niềm hy vọng trong mấy chục năm nay, rồi cũng bị bắt và giam lỏng ở đây, như thế thì còn mong gì nữa?”.
Cụ Phan Bội Châu khoát tay giải thích: “Ông không nên nghĩ như vậy. Đời hoạt động cách mạng của tôi rốt cuộc là một thất bại lớn. Đó là bởi vì tôi có lòng mà bất tài. Nhưng dân tộc ta thế nào rồi cũng được độc lập, nhất định phải thế. Hiện nay đã có lớp người khác lớn hơn lớp chúng tôi nhiều, đúng ra đảm đương công việc để làm tròn cái việc mà chúng tôi không làm xong, ông có nghe tiếng ông Nguyễn Ái Quốc không?”.
Lúc ấy, Trần Lê Hựu với giọng buồn rầu, thương tiếc: “Các báo đăng tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt và chết ở Hương Cảng cách đây mấy năm rồi”. Cụ Phan phủ nhận cái tin đó: “Tôi không chắc ông Nguyễn Ái Quốc vẫn còn, mà ông ấy còn thì nước ta sẽ được độc lập. Họ bắt tôi thì dễ, chứ làm sao bắt được ông Nguyễn Ái Quốc, mà có bắt được thì họ cũng phải thả ra thôi. Vì ông ấy giỏi chứ có như chúng tôi đâu, ông ấy lại có nhiều vây cánh và bạn bè khắp thế giới."
Thực tế đã chứng minh hùng hồn, Nguyễn ÁI Quốc - Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, là danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới, là thánh nhân không chỉ của Nam Đàn mà là của cả nước và của cả thế giới.
Che chắn cho phía tây-nam huyện Nam Đàn cò dãy núi Thiên Nhận trùng trùng, điệp điệp như đàn ngựa ruổi quanh, là ranh giới giữa huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh. Núi Thiên Nhận có 999 ngọn, đứng án ngữ cả một phương trời, đỉnh cao nhất 278m. Ở đây có nhiều cảnh đẹp nên thơ như Rú Trống, Rú Chiêng, Vụng Cọp Quẹp, Vụng Máu, bãi Cây Đỏ, khe Hoa, suối Mài, vực Nàng v.v…có dòng suối từ trên cao chảy xuống, dòng nước trắng xoá, đứng từ xa trông giống như tấm vải trắng, nên gọi là khe Bộc Bố. Tại ngọn Hoàng Tâm trong dãy Thiên Nhận có thành Lục Niên của nghĩa quân Lê Lợi xây dựng năm 1424 để đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh. Đến giữa thế kỷ 18 có trại Bùi Phong, nơi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ẩn dật trong 20 năm và Sùng Chính thư viện, thành lập năm 1791 dưới thời vua Quang Trung, do La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đứng đầu.
Cũng thuộc dãy núi Thiên Nhận có Quải Bái sơn (núi treo cờ) ở xã Lương Trường (nay là xã Nam Lộc), có miếu Thống Chinh thờ tiến sĩ Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng, người có công đánh giặc Sầm, giặc Bồn Man ở phía tây đến xâm phạm nước ta hồi thế kỷ 16.
Vịnh cảnh đẹp của núi Thiên Nhận, La Sơn phu tử đã viết:
“Quỳ, Trà long thế cực nam minh
Thiên Nhận sơn thanh thủy cộng thanh”
(Nghĩa là: Mảnh đất Phủ Quỳ, Phủ Trà đi mãi đến biển xanh. Núi Thiên Nhận xanh, nước cũng xanh).
Án ngữ phía Bắc huyện Nam Đàn có dãy núi Đại Huệ. Núi Đại Huệ là ranh giới giữa huyện Nam Đàn với huyện Đô Lương và huyện Nghi Lộc. Núi cao 454m.
Núi này xưa kia có tên la núi Đại Tuệ, nhân dân địa phương thường gọi là Rú Nậy. Sau khi đại thắng quân xâm lược nhà Thanh trong Tết Kỷ Dậu (1789), trở về, vua Quang Trung đã đổi tên núi Đại Tuệ thành núi Đại Huệ.
Có một giai thoại ở vùng này kể rằng: “Lần ấy vua Quang Trung đang đứng trên dãy núi Đại Tuệ nhìn đoàn quân chiến thắng trở về, bỗng có một cụ già người địa phương đến thưa rằng: “Tôi biết đại vương vốn gốc nhà Hồ, nhà Hồ trước đã về đây xây dựng thành luỹ để chống giặc Minh, thành lũy xây rồi lại đổ. Sau phải xây ngôi chùa thờ Phật Bà, công việc mới trôi chảy. Đại vương qua đây, lần nào cũng chiến thắng, chắc có Phật Bà phù hộ. Vậy nên theo gương trước, ắt thắng tích còn nhiều”.
Quang Trung hỏi:
- Thế Phật Bà ở đây tên gì?
- Dạ, Phật Bà tên là Đại Tuệ (trí sáng suốt lớn).
Quang Trung nghiêm nghị, vui vẻ nói sang sảng: “Nước là nước của dân, thần Phật nào giúp ta làm nên chíên tích ta sẽ nhớ ơn. Từ nay hãy đổi tên núi Đại Tuệ thành núi Đại Huệ."
Nghe vua Quang Trung nói xong, ba quan reo hò vang dội, tỏ ý hoan hỉ, tán thành."
Trong tập “Tây ngữ tùy hành” của ông quân theo chúa Trịnh Tráng có một đoạn đại ý như sau: Đã vào thăm đất Hoài Hoan thì đừng bỏ quên hai danh thắng, đó là Hống Sơn và Đại Tuệ sơn. Hống Sơn tức là dãy núi Hồng Lĩnh có 99 ngọn núi thuộc địa phận huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Còn Đại Huệ sơn nằm ở phía Bắc huyện Nam Đàn thuộc địa phận xã Thanh Tuyền (Nam Thanh) và Nộn Liễu (Nam Xuân và Nam Anh).
Đại Huệ là một dãy núi kéo dài từ huyện Đô Lương đến huyện Hưng Nguyên. Phía tây Đại Huệ có các ngọn Hải Thuỷ, Hồ Cương, phía bắc có ngọn Đại Quốc (Đại Vạc), phía đông có ngọn Đại Bàn, Đại Tứ, Đại Hải, phía nam có núi Động Tranh, có 2 cấp là Động Tranh thấp và Động Tranh cao.
Đứng dưới nhìn lên thế núi Đại Tuệ cao thấp trập trùng, cây cỏ chen chúc xanh tươi, trông đẹp như tranh vẽ. Sườn núi phía nam và phía đông-nam là vườn chè lớn, hoa quả nhiều vô kể, mùa nào thức ấy. Quả vải là đặc sản ở đây, ngon nổi tiếng khắp nơi. Viên quan nhà Đường đô hộ Hoan Châu biết rõ vua quan nhà Đường rất ham thích, đặc biệt ái khanh của vua là Dương Quý Phi. Chúng khao khát đặc sản này đến nỗi khi mùa vải chín, ngắm trời phương nam khi có ngựa đưa vải tiến dâng nhà vua về đến Tràng An nàng nhoẻn miệng cười.
Đỗ Mục, nhà thơ nổi tiếng thời Vãn Đường đã viết:
“Nhất kỵ hồng trần Phi tử tiếu
Vô nhân tri thị lệ chi lai”
Tương Như dịch:
“Bụi hồng ngựa ruổi Phi cười nụ
Vải tiến mang về ai biết đâu?”
Từ đó, người ta đặt cho quả vải cái tên là : “Phi tử tiếu” (nàng Phi cười).
Ở vùng Nam Đàn còn truyền lại một bài hát Chầu văn vạch rõ tội ác tày trời của bọn thống trị nhà Đường và tố cáo lên nỗi thống khổ của nhân dân, nhất là việc phải cống vải sang tận kinh đô Tràng An, Trung Quốc:
“Nhớ khi nội thuộc Đường triều
Giang sơn có quốc nhiều điều ghê gai
Sâu quả vải vì ai vạch lá
Ngựa hồng trần kể đã héo hon”.
Biết bao người phu Nam Đàn đã phải bỏ mạng trên đường cấp tốc cống đặc sản quý báu này. Ngọn lửa hờn căm bọn thống trị nhà Đường đang âm ỉ bốc cháy trong nhân dân. Mai Thúc Loan là một trong những dân phu cống vải đã hiểu rõ khát vọng cháy bỏng đó nên đã thổi bùng ngọn lửa hờn căm thành một cuộc khởi nghĩa lớn năm Nhâm Tuất (722).
Tài năng lỗi lạc và ý chí kiên cường của Mai Thúc Loan đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chấm dứt được nạn cống vải, đưa lại thái bình cho Tổ quốc, hạnh phúc cho mọi nhà.
Tại đền thờ vua Mai ở làng Nghi Lễ (nay là thị trấn Nam Đàn) trong: “Tiên chân báo ứng tân kinh”, có ghi bài ca ngợi công đức trời biển của vua Mai:
“Hùng cứ Hoan châu địa nhất phương.
Vạn An thành luỹ, Vạn An hương.
Tứ phương hưởng ứng hô Mai Đế,
Bách chiến uy danh nhiếp Lý Đường.
Lam thuỷ giang thanh, thanh lãng ngọc.
Hùng sơn phong tĩnh, tĩnh yên lang.
Lệ chi tuyệt cống Đường nhi hậu.
Dân đáo vu kim thụ tứ trường”
Dịch:
Hùng cứ Hoan châu đất một vùng,
Vạn An thành lũy khói hương xông.
Bốn phương Mai Đế lừng uy đức,
Trăm trận Lý Đường phục võ công.
Lam thuỷ trăng in tăm ngọc lặn,
Hùng sơn gió lặng khói lang không.
Đường đi cống vải từ đây dứt,
Dân nước đời đời hưởng phúc chung.
Ở phía Nam núi Đại Huệ có Nộn hồ rộng bao la, là một trong những hồ lớn của Việt Nam. Những chiều hè oi ả, khi có những trận gió nồm từ biển thổi lên, cộng với hơi nước của hồ đã làm cho con người sống ở đây một cảm giác thư thái dễ chịu. Đại Huệ in bóng xuống Nộn hồ rung rinh theo sóng nhẹ.
Ngày xưa dòng Lam giang chảy qua đây, Nộn hồ là vết tích của một cuộc biển dâu, nên tác giả “Đại Nam nhất thống chí”, khi nói về núi Đại Huệ đã viết: “Nộn hồ và sông Lam bao quanh, thuyền ghe xuôi ngược trong khoảng nắng sớm, mù chiều, thật là một danh thắng trong tỉnh Nghệ An”.
Trên đỉnh Đại Huệ có động Thăng Thiên, trong động có chùa Đại Tuệ, người đã phù hộ hai cha con nhà Hồ xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc ngoại xâm. Ngoài chùa Đại Tuệ còn có chùa Hương Lâm, giếng Thạch Tĩnh, có khe Trúc, khe Mai bên cạnh, cảnh đẹp như chốn đào nguyên. Mé dưới có suối Ngọc Tuyền nước trong veo, thơm mát.
Trong dãy núi Đại Huệ có truông Băng và truông Hến. Từ xã Nộn Liễu (Nam Anh, Nam Xuân) qua vùng xã Đoài, Hưng Yên của huyện Hưng Nguyên, phải vượt qua Đại Huệ, qua truông Hến.
Cuối năm 1788, Nguyễn Huệ - Quang Trung đã dẫn đại quân vượt qua truông Băng, truông Hến ra đại phá 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh giữa Tết năm Kỷ Dậu (1789). Khi đại thắng trở về Nguyễn Huệ - Quang Trung lại đập tan số quân mai phục của Lê Hân - một cựu thần nhà Lê ở truông Băng và truông Hến hiểm trở này.
Cảnh đẹp nên thơ của núi Đại Huệ được Phó bảng Nguyễn Thúc Dinh vẽ lại trong bài thơ sau:
“Huy hoàng cảnh vật đất Hồng Lam,
Đại Huệ danh cương vẻ khác phàm.
Cao ngất đồi non mây trắng phủ,
Rầm rì cây cối lá xanh chàm.
Gió tùng huyên náo lòng tơ tưởng,
Trái lá xôn xao bạn tiếu đàm.
Sáu bảy dặm hoè liên tiếp mãi,
Chuyên tâm cổ ngạn ý chưa cam”.
Đứng ở phía đông làm rành giới giữa huyện Nam Đàn và huyện Hưng Nguyên có dãy núi Độc Lôi. Núi có tên là Độc Lôi vì dưới chân núi có đền Độc Lôi. Tương truyền rằng đời Lý, có tướng quân họ Phạm đi đánh giặc ở phía tây về, đóng quân ở đây. Một đêm trời đang quang đãng, bỗng trên không trung nổ một tiếng sấm dữ dội, tiếp theo là một cơn lốc lớn, mấy ngàn quân cùng vị tướng họ Phạm bay lên trời đi mất. Vua nhà Lý được tin liền hạ lệnh cho dân ở đây lập đền thờ và lấy tên là đền Độc Lôi. Dãy núi Độc Lội có ba đỉnh, đỉnh cao nhất gọi là Thai Phong, dưới chân đỉnh Thai Phong có một thung lũng gọi là Trảng Vương.
Theo huyền thoại được lưu truyền ở địa phương, ở Trảng Vương có một huyệt cát địa phát hoàng đế với cảo địa lý: “Dĩ Lam sơn vi kỳ, Dĩ Chung sơn vi cổ, Dĩ Thai sơn vi kiếm, Dĩ Hồng Lĩnh vi vạn mã thiên binh, phát tại Nam phương” (Nghĩa là lấy núi Lam Thành làm cờ, lấy núi Chung làm trống, lấy núi Thai làm kiếm, lấy Hồng Lĩnh làm binh hùng, tướng mạnh, phát tại Nam phương). Nơi đó đã để mộ tổ của Nguyễn Huệ - Quang Trung, người anh hùng áo vải, lãnh tụ tối cao của phong trào Tây Sơn.
Tổ tiên bốn đời củ Nguyễn Huệ là Hồ Phi Long, vốn ở làng Mặc Điền, sau đổi thành Thái Lão, nay thuộc xã Hưng Thái, Hưng Nguyên. Trong những năm 1655-1663, Hồ Phi Long bị chúa Nguyễn bắt đưa vào Bằng Châu, tỉnh Bình Định. Hồ Phi Long lấy một người con gái họ Đinh ở Lăng Châu. Ông bà sinh được một con trai là Hồ Phi Tiễn, khôn lớn lên Phú Lạc buôn trầu, rồi hôn phối với bà Nguyễn Thị Đồng (con một nhà giàu ở Phú Lạc).
Hồ Phi Tiễn và Nguyễn Thị Đồng cũng chỉ sinh được một trai là Hồ Phi Phúc. Bà Nguyễn Thị Đồng là người con độc nhất của gia đình, để đủ tư cách hợp pháp-kế thừa món tài sản lớn của cha mẹ bà để lại, nên Nguyễn Thị Đồng đã bàn với Hồ Phi Tiễn đổi họ cho con trai mình từ họ Hồ sang họ Nguyễn. Hồ Phi Phúc lấy tên theo họ mẹ là Nguyễn Phi Phúc (theo tài liệu của Quách Tấn).
Nguyễn Phi Phúc kết duyên với Mai Thị Hạnh tiếp tục làm nghề buôn trầu, làm nhà ở làng Kiên Mỹ (tức là khu vực Bảo tàng Quang Trung ngày nay) sinh được ba trai là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Về phía nam, cách Nam Đàn khoảng 5km có núi Lam Thành với ba ngọn Triều Khẩu, Phượng Hoàng và Nghĩa Liệt đứng kề ngã ba Tam Chế của sông Lam và sông La. Tại nuí Nghĩa Liệt có khe Hương Tuyền (suối nước thơm) nước trong mát và thơm. Tương truyền, ngày xưa nhân dân địa phương hàng năm phải lấy nước ở giếng thơm ấy cho vào bình để tiến lên vua. Núi Phượng Hoàng liền với núi Nhuyễn (Rú Nhóm) hay còn gọi là Châu Phong, giữa hai núi ấy có chỗ eo lại làm đường đi qua núi. Tương truyền theo thuyết phong thuỷ, ở đây có huyệt đế vương, nên ngày xưa Cao Biền đã dùng phép thuật chặt đứt để yểm long mạch va triệt linh khí nên núi mới có chỗ eo như vậy.
Trên núi có Lam Thành so Trương Phụ, tướng nhà Minh xây vào những năm đầu thế kỷ 15 để chốt giữ vị trí trọng yếu, khống chế cả vùng xứ Nghệ.
Năm 1410, từ đại bản doanh Bình Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh) theo lệnh vua Trần Trùng Quang, danh thần tiến sĩ Nguyễn Biểu đã vượt sông Lam lên Lam Thành thương thuyết, đối mặt với tướng giặc là Trương Phụ, rồi để lại cho các thế hệ mai sau một tấm gương oanh liệt với sự tích “ăn cỗ đầu người” và khí tiết của một sứ thần bất khuất:
“Mạ tặc nhất thanh thiên địa động,
Đề kiều thất tự cổ kim bi”.
(Nghĩa là: Chửi giặc một lời làm chấn động cả trời đất, đề vào chân cầu bảy chữ (sóc nhật, thất nguyệt Nguyễn Biểu tử) làm cảm thương thiên hạ xưa nay.
Năm 1424 trên đường tiến quân vào Nghệ An, sau hàng loạt chiến thắng vang dội ở Bù Đằng, Trà Lân, Khả Lưu, Bồ Ải, Lê Lợi tiến đến dãy núi Thiên Nhận xây thành Lục Niên ở ngọn Hoàng Tâm rồi bao vây Lam Thành.
Tướng giặc trấn giữ Lam Thành lúc đó là Tổng binh Trần Trí. Đến tháng 5 năm 1425, sau thất bại thảm hại ở Đỗ Gia (Hương Sơn, Hà Tĩnh), Trần Trí phải giao lại Lam Thành cho Phương Chính, Lý An, Thái Phúc rồi vượt biển chạy về Đông Quan. Nghĩa quân Lê Lợi ngày càng xiết chặt vòng vây. Những vùng dưới chân núi Lam Thành như Lộc Điền, Phú Điền, Trei62u Khẩu, Vệ Chính, Khánh Sơn, ban đêm từ giờ Dâu đến giờ Dần (tức là 9 giờ tối đến 5 giờ sáng) nghĩa quân đốt đuốc hành quân nghi binh lừa địch: quân ta ít khiến quân địch tưởng nhiều, đông vô kể nên càng sợ hãi, đóng chặt cửa thành cố thủ.
Trong thời gian vây hãm thành, Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi viết thư thách thức bọn tướng giặc Minh đem quân ra khỏi thành để giao chiến. Trong một bức thư gửi cho tướng giặc là Phương Chính, Nguyễn Trãi đã viết: “Trước ngươi gửi thư cho ta, cười ta ẩn nấp nơi rừng rú, thập0 thò như chuột, không dám ra nơi đồng bằng, đất phẳng để đánh nhau. Nay quân ta đã đến đây, ngoài Lam Thành đều là chiến trường cả. Ngươi cho đây là rừng rú chăng? Thế mà người cứ đóng thành bền giữ như mụ già là làm sao? Ta e rằng bọn ngươi không khỏi cái nhục khăn yếm vậy?”.
Năm 1426, Phương Chính, Lý An mở đường máu vượt biển chạy về Đông Quan, giao quyền chỉ huy cho Thái Phúc.
Thái Phúc là viên tướng trước đây đã tham gia cuộc hành quân sang xâm lược nước ta, lật đổ triều đại nhà Hồ, chính Thái Phúc là viên tướng đầu tiên đã trèo lên thành Đa Bang, đánh bại quân nhà Hồ. Nay thực tế cuộc đấu tranh ngoan cường của chúng ta và những lời lẽ chí tình, chí lý của Nguyễn Trãi đã làm cho lương tri trong con người của viên tướng này thức tỉnh. Thái Phúc thấy rõ tính chất phi nghĩa và sự thất bại tất yếu của cuộc chiến xâm lược nước ta. Đến tháng 2 năm 1427 Đô Đốc Thái Phúc đã xin Lê Lợi cưỡi ngựa đến dưới chân thành Tây Đô để chiêu dụ quân Minh ở đây, đã bày cho nghĩa quân Lê Lợi chế tạo công cụ đánh thành Đông Quan.
Đối với tướng giặc quay về với chính nghĩa như Thái Phúc, Lê Lợi đối xử rất chân tình. Khi Thái Phúc nộp Lam Thành, Lê Lợi sai quân lính đem 15 chiếc thuyền vào tận chân thành đón tiếp. Trong thư gửi cho Thái Phúc, Nguyễn Trãi viết: “Nghe tin hiền huynh đã ra cửa thành bái yết, Trần chúa chúng tôi thật là mừng lắm lắm. Từ đây giải binh, khiến nước Nam thoát khỏi cái khổ can qua, thật may làm sao! Có thể bảo ngài là bậc quân tử hiểu thời cơ đó. Như thế ân tình rất hậu, trăm năm không thể quên được”.
Bến Phù Thạch dưới chân núi Lam Thành cũng là nơi cuối năm 1788 vua Quang Trung, trong chuyến hành quân ra Bắc cả phá 29 vạn quân Thanh, có dừng lại ở đây mười ngày, tuyển thêm 5 vạn quân người xứ Nghệ làm cánh trung quân, rồi thần tốc đánh thẳng vào Ngọc Hồi - Đống Đa sáng sớm ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu.
Trước khi lên đường ra Thăng Long, vua Quang Trung đã cho mời Nguyễn Thiếp đến Phù Thạch hỏi kế phá giặc. nguyễn thiếp đã hiến kế: “Quân quý thần tốc, đánh gấp, trong vòng 10 ngày có thể phá tan giặc”. Sau khi đại thắng trở về, vua Quang Trung lại hội kiến với Nguyễn Thiếp tại Phù Thạch và tỏ lời khen ngợi, đánh giá tài năng của Nguyễn Thiếp như sau: “Trẫm ba lần xa giá ra Bắc Thành, tiên sinh đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ, người xưa bảo rằng: “Một lời nói ma lấy nổi cơ đồ. Tiên sinh hẳn có thế, chứ không vào hạng người chỉ bo bo làm việc gần mình mà thôi”.
Núi Lam Thành là nơi khí thiêng sông núi tụ lại. Ở đây đã xuất hiện nhiều gương mặt nhân kiệt và diễn ra những sự kiện lịch sử đặc sắc của nước nhà.
Cùng với núi Đụn, núi Thiên Nhãn, núi Đại Huệ, núi Độc Lôi, núi Lam Thành bao bọc, che chắn xung quanh huyện Nam Đàn, ở giữa thung lũng Nam Đàn cũng nổ lên nhiều ngọn núi nhỏ, trong đó đặc sắc nhất, tiêu biểu nhất là núi chung ở xã Kim Liên.
Núi chung cao 50m, có ba đỉnh chính, nhân dân ở đây quen gọi núi là động. Đỉnh thứ nhất ở phía đông, gần làng Văn Hội (Kẻ Móng), gọi là động Móng. Đỉnh thứ hai cao nhất ở phía sau làng Tình Lý gọi là động Bò. Nơi đây có một cái tọa (miếu nhỏ) thờ ông thần Bò, nên nhân dân làng Tình Lý kỵ húy chữ bò, gọi bò là me. về phía tây-bắc dưới chân núi động Bò có lăng Tả tướng quân Lê Giác (còn có tên là Lê Đốc) là một vị tướng thời Lê, có bãi luyện quân của tú tài Vương Thúc Mậu và là nơi thuở thiếu thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường lên chơi trò kéo co và tập đánh trận giả. Đỉnh thứ ba có tên là động Đền. Đây là nơi tập trung đền chùa lớn và nhà Thánh của tổng Lâm Thịnh. Tại khu văn hóa tâm linh này có nhà cửa, đền đài tráng lệ, nguy nga, quanh nien có thông reo, chim hót, cảnh vật u tịch, thiêng liêng.
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), người làng Nguyệt Ao (nay là xã Kim Lộc) huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, khi đi từ trại Bùi Phong thuộc dãy núi Thiên Nhận sang du ngoạn đất Kim Liên, cảm khái trước cảnh đẹp hữu tình và phong thủy linh thiêng của núi Chung, đã để lại câu nói nổi tiếng có giá trị như câu sấm:
“Chung sơn tam đỉnh hình vương tự,
Kế thế anh hùng vượng tử tôn”.
Nghĩa là:
Núi chung ba đỉnh hình chữ Vương
Con cháu đời nối đời thịnh vượng.
Thời xưa, núi Chung là một khu rừng cây tươi tốt um tùm, có cây cổ thụ, có hoa bốn mùa, có nhiều chim làm tổ, nhảy hót líu lo.
Dưới chân núi Chung, về phía bắc có một hồ nước lớn tên gọi là bàu Cửa, tên chữ là Cự Thủy. Bàu Cự Thủy có trữ lượng nước lớn, trong xanh, có nhiều tôm cá.
Núi Chung, hồ Cự Thủy là cảnh quan tiêu biểu, là niềm tự hào của xã Kim Liên. Do đó các bậc tiền nhân đã lấy núi Chung trưng cho đất, lấy bàu Cự Thủy tượng trưng cho nước để đặt tên cho quê hương mình là Chung Cự.
Theo tác phẩm Khoa bảng Nghệ An của Đào Tam Tỉnh, Sở Văn Hoá Thông Tin Nghệ An năm 2000, từ khi có kỳ thi chữ Hán đầu tiên (năm 1075) đến kỳ thi kết thúc (năm 1919), trong quãng thời gian dài 844 năm đó, về cử nhân cả tỉnh Nghệ An có 829 người, trong đó Nam Đàn đã có 159 người chiếm gần 1/6. Tiến sĩ lên đến Trạng Nguyên, cộng cả Phó bảng, tam trường thi Hội, tỉnh Nghệ An có 335 người, trong đó Nam Đàn có 50 người, chiếm gần 1/6.
Cùng với những gương mặt ông Nghè, ông Thám thì ở Nam Đàn cũng nổi bật nhiều gương mặt yêu nước và cách mạng, hy sinh cả tính mạng để giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước.
Từ xa xưa đến nay, theo chiều dài lịch sử phát triển của quê hương, đất nước, gương mặt nhân kiệt ở Nam Đàn thời nào cũng có, nơi nào cũng có. Trong đó có những gương mặt tiêu biểu như Tiến sỹ Tống tất Thắng, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Thừơng, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Đường, Thám nhì Nguyễn Văn Giao ở xã Trung Cần (nay là Nam Trung), Tiến sỹ Nguyễn Thiện Chương, Thám Nguyễn Đức Đạt ỡ xã Hoàng Sơn 9nay là Khánh Sơn), Tiến sỹ Nguyễn Quý Song, Tiến sỹ Trần Đình Tuấn (tức Trần Đình Chu) ở Xuân Hồ (nay là xã Xuân Hoà), Phó bảng Nguyễn Thúc Dinh ở xã Xuân Liễu (nay là xã Nam Anh và Nam Xuân), Hội nguyên và Đình nguyên Vương Hữu Phu ở xã Vân Diên, Hoàng giáp Nguyễn Thái, Giải nguyên Phan Bội Châu ở làng Đan Nhiệm, xã Xuân Hoà, Vương Thúc Mậu, Vương Thúc Quý, Hồ Chí Minh ỡ xã Kim Liên và Lê Hồng Sơn ở Xuân Hồ là một trong “tam hồng” của xứ Nghệ (tức là Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái) v.v…
Có thể nói, gương mặt nhân kiệt tiệu biểu đầu tiên của Nam Đàn là Mai Thúc Loan, người xứ Nghệ đầu tiên được lên làm vua với đế hiệu là Mai Hắc Đế, gương mặt nổi trội nhất. Ở tăng bậc cao nhất là Hồ Chí Minh: Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới.
Sự kiện độc đáo nhất trong khoa thi hội năm Quý Sửu (1853), hai người đỗ đầu là ngừơi của Nam Đàn, đó là Thám Hoa Nguyễn Đức Đạt và Thám hoa Nguyễn Văn Giao. Khoa thi Hương năm Canh Tý (1900), Phan Bội Châu đậu Giải Nguyên được đặt cách đứng riêng một bảng.
Đào Tấn, tổng đốc An Tĩnh lúc đó đã có câu đối mừng:
“Lưỡng tuế tam nguyên thiên hạ hữu,
Độc danh nhất bảng thế giang vô”
Nghĩa là:
Ba nhất hai năm thiên hạ có,
Riêng tên một bảng thế gian không .
Núi sông, đồng ruộng, làng mạc của Nam Đàn đã được người đời vẽ lên bằng thơ:
“Nam Đàn gió thổi phi phong,
Núi non mây bá giăng mùng xung quanh.
Lam giang một giải xanh xanh,
Vòng quanh Nhận, Đụn băng mình về xuôi”.
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cho đây là nơi: “Trùng lai danh thắng địa”, Phan Bội Châu cho đây là nơi “Cổ lai đa hào kiệt”.
Tác giả “Nghệ An thập nhị huyện phong thổ ký”, đã Vịnh Nam Đàn:
“Thái Sơn lạc hạ đại chi lam,
Hùng tráng đương trung cổ Nhật Nam.
Huệ lĩnh đông hồi sơn tự chướng,
Long giang nam hạ thuỷ như lam.
Phì nhiêu phả hiệu Hoan châu tối,
Hào kiệt ta quy thủy thổ đàm.
Giục khảo đồ thư cầu vãng tự,
Giang đầu cổ miếu uất yên nham”.
Tạm dịch:
Thái Sơn dãy chính chuyển về đây,
Sừng sững trời Nam tự bấy rày.
Đại Huệ đông hồi bình phong dựng,
Lam giang nam lại nước xanh đầy.
Phì nhiêu tột đỉnh Hoan Châu đó,
Hào kiệt tụ về đất nước này.
Giở hết đồ thư xem mọi sự,
Đầu sông miếu cũ đá chen cây.
Nói chung lại: Long mạch vùng quê Nam Đàn được biểu hiện một cách sinh động ở địa linh nhân kiệt. Những nơi địa linh đó, những gương mặt nhân kiệt đó của Nam Đàn đều đã gắn chặt với lịch sử nước nhà qua các thời đại.
Nguồn: wwwlyhocdongphuong.org.vn